Thế giới âm thanh nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang ngày càng phát triển với không chỉ các thiết bị âm thanh mà còn cả những thuật ngữ chuyên ngành cũng đang ngày càng phong phú, đa dạng hơn và được sử dụng phổ biến hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả người dùng đều hiểu hết được các thuật ngữ đó, “Hi-Fi là gì?”, “Hi-Fi có giống Hi-End không?, “Hi-Fi và Hi-End có gì khác nhau?”… Vậy để cung cấp thông tin chi tiết và đầy đủ đến tất cả bạn đọc, chúng tôi đã tổng hợp các vấn đề xoay quanh Hi-Fi mà khách hàng đã hỏi và sẽ trả lời ngay sau đây, vì thế, nếu bạn cũng đang muốn tìm hiểu về Hi-Fi thì đừng quên đọc hết bài viết này nhé!
Hi-Fi là gì?
Hi-Fi là từ viết tắt của “high fidelity”, có nghĩa là độ chân thực cao. Khi nói “âm thanh Hi-Fi” tức là âm thanh có độ chân thực cao, sống động, không bị méo âm hoặc bị lẫn tạp âm và gần như không có gì khác so với âm thanh gốc.
Âm thanh khi phát ra từ nguồn, được truyền qua các thiết bị như: micro karaoke, amply karaoke, cục đẩy công suất, loa karaoke,… đều sẽ bị biến đổi ít nhiều, bị lẫn tạp âm, tiếng ồn, bị biến dạng, giảm chất lượng,… không còn giống hoàn toàn với âm thanh ban đầu nữa. Do đó, người ta sử dụng Hi-Fi để đánh giá mức độ chân thực của âm thanh, Hi-Fi càng cao tức là âm thanh càng hay và chân thực, giống với âm thanh gốc phát ra từ nguồn.
Hi-Fi và Hi-End có gì khác nhau?
Rất nhiều người thường nhầm lẫn giữa Hi-Fi và Hi-End do phát âm gần giống nhau và vì đều thường được dùng khi nói về các thiết bị âm thanh nên người dùng, đặc biệt là những người có vốn từ tiếng Anh hạn chế, sẽ thường đánh đồng hai từ này với nhau. Trên thực tế, Hi-Fi và Hi-End là hai từ hoàn toàn khác nhau, được dùng để nói về các đối tượng khác nhau:
– Hi-Fi được dùng để nói về độ chân thực của âm thanh, thể hiện tính chất của âm thanh.
– Hi-End được dùng để nói về chủng loại, mức giá của thiết bị âm thanh, thể hiện mức độ cao cấp (đắt tiền) của thiết bị âm thanh.
Như vậy, cả Hi-Fi và Hi-End đều ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh, tuy nhiên, âm thanh phải có Hi-Fi (độ chân thực) trước thì mới có thể dùng các thiết bị Hi-End (cao cấp, đắt tiền) để làm cho nó hay hơn, sinh động hơn, chất lượng hơn được.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến âm thanh Hi-Fi:
Âm sắc
Âm sắc là “màu sắc” của âm thanh, giọng hát của con người có thể trong trẻo, mượt mà hoặc sâu lắng, ấm áp,… nó được gọi là màu sắc của âm thanh. Âm sắc là yếu tố căn bản giúp tai nghe cảm nhận và phân biệt âm thanh phát ra giữa các nguồn phát khác nhau như: con người hay nhạc cụ (piano, organ, guitar,…) do mỗi một nguồn tạo ra âm thanh khác nhau sẽ có những màu sắc âm thanh khác nhau. Một thiết bị âm thanh phản ánh được càng giống âm thanh và màu sắc âm thanh gốc sẽ cho người nghe cảm nhận dễ dàng, nhận biết được chính xác âm thanh phát ra từ nguồn nào thì có độ chân thực cao và được đánh giá chất lượng tốt hơn.
Mật độ âm thanh
Mật độ âm thanh được hiểu đơn giản là độ dày của âm thanh. Một thiết bị âm thanh được cung cấp nguồn điện đủ lớn, tái tạo được dải âm rộng, thể hiện được độ dày của âm thanh sẽ giúp tạo ra được âm thanh giàu nội lực, sinh động và chân thực hơn.
Tầng âm và trường âm
Tầng âm (tức sound stage) là độ sâu tầng lớp âm thanh trong không gian, cho ta nhận biết cách sắp xếp và bố trí các nhạc cụ và nhạc công thể hiện âm thanh phát ra hay nhất.
Trường âm (tức sound field) là độ rộng của không gian âm thanh, cho ta có những nhận biết về độ vang, độ rộng hay hẹp và kết cấu kiến trúc của phòng hát.
Tầng âm và trường âm là hai yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng âm thanh, do đó, bạn luôn phải lưu ý để điều chỉnh và sắp xếp sao cho hợp lý, để âm thanh phát ra được hay nhất, giống với âm thanh thực nhất.
Sự ổn định về không gian của âm thanh
Từ ảnh hưởng của yếu tố “tầng âm” ta có thể thấy mức độ quan trọng của sự ổn định về không gian đến chất lượng âm thanh. Khi thay đổi vị trí ngồi của nhạc công, hay cách bố trí các nhạc cụ, vị trí của người nghe… đều sẽ làm thay đổi tầng âm. Do vậy, để âm thanh phát ra thực sự chất lượng và có Hi-Fi cao thì việc lựa chọn phòng nghe nhạc cũng vô cùng quan trọng, việc bố trí các thiết bị trong dàn âm thanh, đặc biệt là loa, vị trí đặt loa và hướng loa, mức độ xử lý tiêu âm trong phòng,… là những yếu tố quyết định đến độ ổn định và chân thực của âm thanh.
Mức độ phối hợp giữa các nguồn âm
Trong một nhóm nhiều nhạc cụ khác nhau, nếu không biết cách kết hợp về giai điệu, âm lượng và tận dụng tính chất, màu sắc âm thanh từ mỗi nhạc cụ sẽ rất dễ tạo ra một âm thanh với sự hòa trộn lộn xộn của nhiều nguồn âm khác nhau, tiếng violin có thể lấn át hết tiếng của cây piano khiến nó chìm nghỉm và người nghe hoàn toàn chỉ nghe được tiếng violin và không nghe được tiếng piano, làm cho âm thanh thiếu đi âm sắc trong trẻo và không thể hiện được sự chân thực, sống động của âm thanh.
Độ tương thích của các thiết bị trong dàn âm thanh
Mức độ tương thích, kết hợp ăn ý và hài hòa của các thiết bị trong dàn âm thanh cũng là một yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng âm thanh. Một hệ thống âm thanh cao cấp và hiện đại nhưng có các thiết bị không thể kết hợp hài hòa sẽ không phát huy được hiệu quả và tính năng của mỗi bộ phận, âm thanh phát ra vẫn bị lẫn nhiều tạp âm và những tiếng hú, rít ồn ào, khó chịu, không cho người nghe cảm nhận được những âm thanh chất lượng và chân thực.